Khái niệm sốc văn hóa lần đầu tiên được nhà nhân chủng học Kalvero Oberg đưa ra năm 1954. Theo đó sốc văn hóa là trạng thái bất an mà một người cảm thấy khi được đặt vào một môi trường văn hóa khác với môi trường văn hóa quen thuộc của mình. Đây chính mà trở ngại lớn mà mọi du học sinh phải vượt qua khi đặt chân đến đất nước mà họ du học. Nếu không vượt qua được, toàn bộ quá trình học sau đó sẽ bị ảnh hưởng xấu thậm chí phải kết thúc trước thời hạn.

Có nhiều quan niệm khác nhau về các giai đoạn của sốc văn hóa nhưng thông thường các nhà nghiên cứu chia thành 4 giai đoạn:

  1. Giai đoạn trăng mật: du học sinh cảm thấy hạnh phúc tràn trề vì được đặt chân tới vùng đất mà mình mơ ước, mọi thứ đều hấp dẫn, mới mẻ và thú vị.
  2. Giai đoạn vỡ mộng: cuộc sống, nhịp sống, cách tổ chức cuộc sống bị đảo lộn do khác biệt văn hóa. Từ thức ăn, đồ uống, phương tiện đi lại, cách học tập, phương pháp học tập, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, các khó khăn về ngôn ngữ (từ vựng, ngữ điệu, trọng âm, cú pháp), quan niệm về bè bạn,... làm cho du học sinh có thể cảm thấy thất vọng về mình, về khả năng của mình.  Nếu không tìm được giải pháp thì sẽ dẫn đến phản ứng co cụm, ‘‘xù lông nhím’’, võ đoán hoặc chăm chăm tin vào các định kiến từ chối tiếp xúc với bên ngoài hoặc phản ứng cực đoan. Điều này chỉ dẫn đến những hậu quả tai hại.
  3. Giai đoạn thích nghi: du học sinh dần lấy lại thăng bằng, không nghiêm trọng hóa vấn đề, chấp nhận thực tại và tìm cách thích nghi với nhịp sống, sinh hoạt và học tập mới.
  4. Giai đoạn hòa nhập: du học sinh cảm thấy hoàn toàn thoải mái và hòa nhập vào cộng đồng mới. Thưởng thức những niềm vui mới mà nền văn hóa mới đem lại. Việc học, vui chơi, kết bạn và thậm chí là đi làm trở nên tự nhiên và thú vị.
Tùy vào sự chuẩn bị và khả năng thích nghi của mỗi người mà mỗi giai đoạn trên kéo dài từ 1 tuần đến 1 tháng. Để giải quyết vấn đề này, mỗi người có một cách riêng nhưng đại đa số các du học sinh đều cho rằng việc học ngoại ngữ thật giỏi và tìm hiểu văn hóa học tập, sinh sống của nơi mình sắp đến là sự chuẩn bị không thể thiếu trước khi đi du học.

Đối với các học sinh phổ thông có ý định ra nước ngoài từ bậc dự bị Đại học thì có thể nói là kiến thức và kĩ năng sống vẫn còn non nớt. Tuy nhiên, điều đó cũng chính là một lợi thế để du học sinh có thể nhanh chóng và dễ dàng tiếp xúc với những điều hoàn toàn mới mẻ mà không có một nếp hằn thói quen nào cản trở.  Lần đầu tiên, các bạn tự làm những công việc trước nay vẫn do bố mẹ thu xếp như thuê nhà, phân chia việc với bạn ở cùng nhà, lên kế hoạch sinh hoạt, chi tiêu cho hợp lí. Theo Living Book Bùi Phương Anh (thạc sĩ ngoại giao truờng ĐH Birmingham, Anh quốc), những điều này chắc chắn sẽ tạo cho các bạn du học sinh trẻ một cảm giác tự do và đầy phấn chấn như trải nghiệm của chính bản thân chị những ngày đầu. Song có lẽ cũng vì sự mới lạ 100% này mà đã có không ít thời điểm các du học sinh của chúng ta trước đây lâm vào tình trạng dở khóc dở cười vì sự thiếu hiểu biết và không được tìm hiểu kĩ.

Nếu như trước đây, việc tìm hiểu đất nước và con người nơi các du học sinh sắp đến là một điều khó khăn gần như không tưởng thì ngày nay các học sinh, sinh viên có ý định du học có thể thoải mái tìm thông tin trên mạng trước khi lên đường để có một sự chuẩn bị tốt. Các trung tâm văn hóa cũng là nơi cung cấp những thông tin xác thực và bổ ích nhất. Ví dụ như du học sinh tại Anh có nguồn thông tin hết sức phong phú về hệ thống trường, các suất học bổng, cuộc sống tại Anh qua trang web, facebook, thư viện của Hội đồng Anh. Ngoài ra, các triển lãm du học chính thống do đơn vị này tổ chức 1 năm 2 lần dành cho các hệ đào tạo từ cấp 3 đến sau đại học là một cơ hội tốt để các du học sinh tương lai tới gặp đại diện của các trường và đặc biệt là giao lưu với các cuốn sách sống – living book – là các cựu du học sinh. Đây là sáng kiến đặc biệt hữu ích không chi cho các học sinh sinh viên, phụ huynh học sinh du học, không chỉ tại Anh, đến tìm hiểu về cuộc sống và văn hóa nơi đây. Các chuyên gia khuyên rằng:

1.                   Không nên coi những khác biệt trong nền văn hóa mới là nguồn gốc của mọi vấn đề. Thay vào đó nên xem vấn đề đến từ đâu và đâu là sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Cùng một sự kiện, hiện tượng nhưng quan niệm của hai nền văn hóa khác nhau nên không thể dùng thước đo của nền văn hóa này áp sang nền văn hóa kia.

2.                   Cần phải nhấn mạnh rằng mọi thời gian lưu trú tại nước ngoài đều cho người ta học được điều gì đó tích cực. Cần phải tham gia vào ‘‘cuộc chơi’’ này để rút ra những kinh nghiệm quý báu.

3.                   Tuyệt đối không cô lập mình với môi trường xung quanh hoặc quanh quẩn với các định kiến và những điều võ đoán. Mọi người đều bình đẳng và cần tôn trọng sự khác biệt của mỗi người, mỗi nền văn hóa.

4.                   Trước khi lên đường nhất thiết phải học tiếng thật giỏi, cố gắng kết bạn với người nước đó hoặc các cựu học sinh ở nước đó để học hỏi kinh nghiệm. (mạng lưới các cựu học sinh ở Anh của Hội đồng Anh là một ví dụ). Tham dự các triển lãm du học chính thống chính là điều kiện quan trọng để tiếp xúc và tìm hiểu nơi mình sắp đến.

Sốc văn hóa là điều không thể tránh khỏi, hãy rút ngắn tối đa thời gian sốc và giảm thiểu các tác hại của nó bằng internet và những cơ hội trao đổi với các living book tại các triển lãm du học ngay từ khi học cấp ba. Chuẩn bị sớm không bao giờ là thừa với những người muốn chinh phục những thử thách chông gai nơi viễn xứ.

  Nguyễn Đình Thành